May 6, 2017

Năm 1948 Nhượng Tống ở đâu?

Tôi nghĩ, đã có đầy đủ cơ sở để nói đến một thánh địa Việt Nam Quốc dân đảng ở Hà Nội. Đó là khu vực gồm cạnh ngoài cùng là phố Quán Thánh, bên kia là dải Phó Đức Chính (tụt xuống so với đê phía trên) bây giờ, hai cạnh còn lại là con đường chạy men hồ Trúc Bạch các phía không phải đường Thanh Niên hiện nay, và Hàng Than. Trong khu vực ấy, mấy cái tên này quan trọng nhất: Nam Tràng, Ngũ Xã, Quán Thánh, Hàng Bún, Hàng Than, Châu Long, cùng khu vực ngày xưa gọi là "Đỗ Hữu Vị" (có thể coi là tương đối tương đương với Cửa Bắc ngày nay), mang tên nhân vật sĩ quan lái tàu bay được chính quyền thực dân Pháp và Phạm Quỳnh vinh danh nhiệt liệt. Một cuốn tiểu thuyết lớn lấy đúng khu vực này làm bối cảnh: xem ở kia. Và tính chất thánh địa này đã là khởi đầu kể từ Nam Đồng thư xã.

Theo mọi tìm hiểu của tôi, từ 1945 cho đến tháng Chín năm 1949 (thời điểm Nhượng Tống chết), về cơ bản Nhượng Tống ở Hà Nội.

Tôi cũng đã biết rằng trong đoạn rất biến loạn, nhất là quanh Ngày 19 tháng Chạp năm 1946, kể cả trong lúc Việt Nam Quốc dân đảng bị thanh trừng thảm khốc nhất, Nhượng Tống vẫn ở chính sát kề địa điểm lịch sử "80 Quán Thánh": ở ngay Hàng Bún (những ai không biết rõ địa dư Hà Nội chỉ cần biết rằng Quán Thánh và Hàng Bún giao nhau tạo thành một ngã tư, về phía đầu Quán Thánh hướng Hòe Nhai và bốt Hàng Đậu).

Nhưng có những điều không thể cứ khơi khơi mà nói được. Làm thế nào để biết chắc chắn một điều gì? Nguyên tắc chung là: không bao giờ ta có thể biết chắc chắn bất kỳ điều gì.

Có những lời chứng đặc biệt quan trọng. Chẳng hạn khi tìm ra bài Nhượng Tống trả lời phỏng vấn tờ Tri tân, ta phải coi một số điều do chính Nhượng Tống nói ra và được chép lại đủ sức phản đối mọi điều do người khác nói về cùng một vấn đề (ít nhất là hai bên phải được coi là có trọng lượng tương đương); thêm nữa, nhờ bài phỏng vấn ấy, ta mới có thể xác định được là Nhượng Tống có một tác phẩm giờ đây gần như tuyệt đối không còn hy vọng tìm lại được: Cách mệnh tiên thanh.

Chẳng hạn, chuyện Nhượng Tống rời Côn Đảo vào thời điểm nào, trước khi tìm ra bài viết về Hồ Văn Mịch trong đó chính Nhượng Tống nói mình được thả vào năm 1933, thì tôi đã thu thập được một tờ giấy tương đương "giấy đăng ký kết hôn" ngày nay, đó là giấy viết bằng cả chữ nho và chữ quốc ngữ, có sự làm chứng của lý trưởng sở tại, chứng nhận Hoàng Phạm Trân lấy vợ, và đó là năm 1934. Đây là người vợ đầu của Nhượng Tống (trong giấy, người vợ điểm chỉ). Phải cộng cả hai chứng cứ ấy lại, tôi mới có thể nói chắc chắn chi tiết Nhượng Tống được thả khỏi Côn Đảo năm 1936 mà tất cả tiểu sử trước đây viết, là sai.

Cái chết của Nhượng Tống thì sao?

Trước đó, tôi muốn nói đến cái chết của Khái Hưng: cho tới giờ, tôi đã thu thập được cỡ trên dưới mười lời chứng về điều này, và tất cả đều mâu thuẫn với nhau, ở nhiều mức độ khác nhau, tôi thấy chưa có thể rút ra kết luận nào hết. Một cái chết nữa cũng rất bí ẩn: chính là cái chết của Nam Cao.

Về cái chết của Nhượng Tống, theo tôi cả hai "phe" quy nguyên nhân cho hai thế lực đối địch nhau thời ấy, đều sai. Nhân vật nhà báo quèn tôi đã nhắc ở kia rất liên quan: đây là nhân vật cực kỳ hung hăng chứng tỏ mình nắm được sự thật trong câu chuyện này. Được, rồi một ngày tôi sẽ tặng cho nhân vật đó một số bằng chứng cho há mồm không bao giờ khép lại được nữa trong suốt phần đời còn lại. Cùng hung hăng như vậy, cùng về câu chuyện này là một nhân vật thứ hai: Nguyễn Xuân Diện (nhìn thấy "Lâm Khang chủ nhân", lần nào tôi cũng lăn ra cười: sao không "Bình Khang" đi cho nó độc đáo, hở Xuân?)

Quay trở lại với thời điểm 1948: từ trước tôi đã biết Nhượng Tống có một thời gian không ngắn sống ở phố Hàng Bún. Đây là quãng thời gian Nhượng Tống sống cùng người vợ thứ ba, đó là một phụ nữ Trung Hoa. Khi Nhượng Tống chết vào tháng Chín 1949, người vợ ấy lo liệu tang ma; tôi cũng đã thu thập được một giấy chứng nhận khác, đó là khi người vợ đầu lên Hà Nội chuyển mộ cho chồng.

(về Nhượng Tống, ta có duy nhất một bức ảnh - chắc nhiều người còn nhớ, mục "Nhượng Tống" trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan không có ảnh - từ lâu tôi đã nghe kể đây là ảnh chụp sau khi Nhượng Tống đã chết, rồi được sửa chữa (retoucher) lại, chứ không phải ảnh chụp lúc còn sống; lúc đầu tôi thấy rất nghi hoặc, nhưng càng ngày càng nghĩ có lẽ như vậy mới đúng; tuy nhiên, tôi biết Nhượng Tống còn có những bức ảnh khác: sau khi lấy vợ năm 1934, Nhượng Tống có lần cùng vợ đi chơi chùa Non Nước, và có chụp vài bức ảnh vào dịp này)

Tuy nhiên, phải đến lúc tìm được thêm một bằng chứng nữa hội tụ về "Hàng Bún" thì tôi mới xác quyết được.

Đây là trang cuối cùng cuốn sách rất nhiều tai tiếng Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân đảng của Bạch Diện (chính vì vậy nên gần đây khi đột nhiên thấy một cuốn sách của Bạch Diện viết về Hà Nội được in ra, tôi đã đặc biệt để ý, chắc nhiều người còn nhớ, hình như cách đây hai năm thì phải):


Lại thêm một ấn phẩm của nhà xuất bản Ngày Mai:



Ta có thể thấy rõ: năm 1948 quả thật Nhượng Tống ở Hàng Bún, Hà Nội. Không những thế, nhờ thông tin của Bạch Diện, ta còn biết tên hiệu thuốc mà Nhượng Tống mở hồi ấy: "Sinh sinh dược phòng".

Chuyện Nhượng Tống sống bằng nghề thuốc (thậm chí có thể nghĩ là một số công việc khác lân cận - điều này tôi sẽ trở lại sau) là hiển nhiên: ngay trước khi Nhượng Tống chết tháng Chín năm 1949, ta thấy xuất hiện trên báo Cải tạo quảng cáo về một hiệu thuốc, hiệu thuốc ấy tên là "Nhượng Tống", và không ở khu vực thánh địa Việt Nam Quốc dân đảng nữa, mà ở phố Huế.

Năm 1950 có không chỉ một cuốn sách viết về Nguyễn Thái Học (và Việt Nam Quốc dân đảng), điều này là dễ hiểu: năm này là tròn hai mươi năm kỷ niệm Yên Bái 1930. Cuốn sách đầu tiên về Nguyễn Thái Học (do Nhượng Tống viết) cũng in nhân một dịp kỷ niệm trước đó: 1945 (xem ở kia). Ngay sau khi cuốn sách của Bạch Diện in ra, ở Huế xuất hiện một cuốn sách khác, chủ yếu thu thập tường thuật các phiên tòa xử vụ Yên Bái đăng báo chí đương thời. Nhiều người biết cuốn sách này; trong đó, tác giả đặc biệt chỉ trích Bạch Diện vì một số điều mà Bạch Diện nói liên quan tới Nhượng Tống, trong Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân đảng.




Về Nhượng Tống:

Đoạn cuối của Khái Hưng
Danh mục tác phẩm Nhượng Tống (bổ sung)
Nhượng Tống trả lời phỏng vấn tờ Tri tân
Nhượng Tống và Sử ký
Nhượng Tống, Phan Du, Trương Chính
Nhượng Tống về Hồ Văn Mịch
Nhượng Tống dịch Ngọc lê hồn
Tiếp tục tác phẩm hiếm của Nhượng Tống
Meaulnes và Lương Ngọc
Liêu Trai chí dị
Lan Hữu trở lại

Vài tác phẩm hiếm của Nhượng Tống (kèm danh mục tác phẩm, cuối 2015-đầu 2016)



Về Hà Nội giai đoạn 1947-1954:

Hà Nội từ 1947 đến 1954: Đầu tiên và cuối cùng
Hà Nội từ 1947 đến 1954: Dân Việt Nam
Hà Nội từ 1947 đến 1954: Ông Thủ hiến nói
Hà Nội từ 1947 đến 1954 (3) Sách trong thành phố
Hà Nội từ 1947 đến 1954 (2) Thế hệ
Hà Nội từ 1947 đến 1954 (1)
Đoạn cuối của Khái Hưng
Ngày 19 tháng Chạp năm 1946

10 comments:

  1. Năm 2015, bên Trung Quốc có chiếu bộ phim truyền hình đình đám "Kẻ nguỵ trang" kể về đời "điệp viên 5 mang" của một nhân vật lịch sử có thật xuất thân trong một gia đình đại tư sản tại Thượng Hải. Trong phim người anh trai cả trong gia đình vừa là điệp viên cấp cao của cả chính quyền Trùng Khánh lẫn Quân thống (phe Quốc dân đảng). Điều đáng nói là bộ phim dành rất nhiều sự kính trọng dành cho những người thuộc phe Quốc dân đảng, nhất là đoạn nhân vật chính được huấn luyện tại trường quân sự Hoàng Phố dưới sự đào tạo của người đứng đầu tổ chức điệp viên của Quốc dân đảng tại Thượng Hải.

    ReplyDelete
  2. nhưng có phải thủ pháp kịch bản và điện ảnh nhằm mục đích cho thấy "bọn đó" rất giỏi và rất oách nhưng cuối cùng đã thua? :p

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ôi sao không xem phim mà vẫn biết chính xác thế :p

      Delete
  3. Ông Nhượng Tống ở phố Chợ Hôm khi bị thực dan ám sát

    ReplyDelete
  4. Vâng, chính là phố Huế đấy.

    Sáng sớm hôm đó (tháng Chín 1949) có thằng bé đến chỗ NT, nói ở nhà nó (không xa lắm) có người ốm, mời đến khám. NT đi được một đoạn thì có người đi xe đạp qua bắn một phát súng, lẽ ra nếu NT nằm im luôn thì có thể thoát, nhưng NT đứng dậy chửi mắng và bị bắn thêm một phát, phát đạn này mới gây ra cái chết.

    ReplyDelete
  5. Về thời điểm hơi trục trặc. Ông Nhượng Tống bị ám sát khi bố tôi, Tổng Trấn Nghiêm Xuân Thiện, còn tại chức tuy sắp thôi. Thôi vào khoảng tháng 7, khi chính phủ lâm thời Nguyễn Văn Xuân từ chức. Hôm đưa đám, anh em Quốc Dân Đảng như bố tôi quen gọi các bạn VNQDĐ, bàn nhau đi bắn chết cái thằng đã chủ mưu ám sát. Bố tôi can : Anh em đừng làm thế, tôi sắp thôi rồi, không che chở anh em được đâu.
    Sự việc xảy ra thế nào thì tôi lại được nghe kể một cách khác : hôm đó một tên Tây lai đi ô-tô đến đón ông Nhượng Tống đi chữa thuốc. Lên xe một lúc thì chúng bắn chết. Người nhà ông Nhượng Tống kể như thế. Người kể lại chuyện khác đi, tránh nói đến tên Tây lai chắc vì bàn tay của thực dân rõ qúa. Bố tôi đã khuất núi, không hỏi lại được.

    ReplyDelete
  6. Nhượng Tống bị ám sát ngày 8 tháng Chín năm 49, thời điểm này là chắc chắn, vì tôi đã tìm lại được các tờ báo thời ấy, ghi rất chính xác ngày giờ; thêm nữa tôi đã sao lục được điếu văn Ngô Thúc Địch đọc trong đám tang NT, tổ chức ngày 9/9.

    Như vậy ông Nghiêm Xuân Thiện thôi giữ chức Tổng trấn quãng tháng Bảy năm 49?

    Tình tiết vụ án như vậy là có vài điểm khác biệt, nhưng có điểm chung là đều có người đến dụ NT đi khỏi nhà, và đều là đi chữa bệnh cho người ốm.

    ReplyDelete
  7. Tôi là cháu ngoại của ông Nhượng Tống. Bức ảnh ông bà tôi chụp ở chùa Non Nước ( Ninh Bình) và giấy chứng nhận kết hôn của ông bà tôi chỉ một mình mẹ tôi giữ. Chắc tác giả Nhị Linh đã từng gặp mẹ tôi?

    ReplyDelete
  8. Sao bạn ko công bố ảnh đó để người Việt Nam có thêm tư liệu về một nhà cách mạng yêu nước

    ReplyDelete