Mar 2, 2017

Viên bác sĩ nông thôn

Các nhà văn nào tạo ra những cảnh nhân vật đi, qua đồng, qua rừng, qua núi, qua sông hay nhất, đáng nhớ nhất? Tôi thử kiểm kê, và nhớ đến Julien Gracq cùng Claude Simon (tuy rằng tôi không còn thấy hai nhân vật này thực sự có quá nhiều giá trị nữa nhưng vẫn rất nhớ các nhân vật di chuyển của họ), rồi Jean Giono và Romain Gary. Dường như đó chính là "voyage romantique", kiểu di chuyển của chủ nghĩa lãng mạn, mà Roland Barthes từng phân tích (xem ở kia): sự đi nơi ngũ quan con người tham gia đồng loạt. Nó vừa khác vừa giống "sentimental journey" theo kiểu Laurence Sterne.

Nhưng Balzac cũng chính là người, trước cả bốn nhà văn vừa nhắc ở trên (dĩ nhiên Balzac thì sau Sterne: Sterne chính là một trong những nhà văn mà Balzac mê nhất; trong Vở kịch con người, liên tục Balzac nhắc không chỉ đến nhân vật "Uncle Toby" tức Captain Toby Shandy của Tristram Shandy mà còn lý thuyết của Sterne theo đó những cái tên riêng vô cùng quan trọng - từ đó mà Balzac có những chiến lược đặt tên nhân vật rất đặc thù, mà ta sẽ nói kỹ sau, và kể cả ở đây, cũng như ở "faubourg Saint-German", Balzac đi trước Marcel Proust, Proust của "Noms de pays: le nom" trong tập Swann), tạo ra những cảnh nhân vật di chuyển rất đặc biệt. Một trong số cảnh ấy nằm ở đầu Viên bác sĩ nông thôn (tức Le Médecin de campagne), kiệt tác đặc biệt của Balzac.

Loạt "xen" "Scènes de la vie de campagne", về cuộc sống ở nông thôn (đây là loạt "xen" thứ sáu, cũng là cuối cùng, khép lại toàn bộ phần "Études de moeurs", ngay tiếp sau đó là đến phần "Études philosophiques": Bông huệ trong thung được đặt ở cuối cùng), chỉ gồm bốn tiểu thuyết, trong đó Bông huệ trong thung (Félix de Vandenesse và Henriette de Mortsauf - cái họ "Mortsauf" này là một trong những minh họa sống động nhất cho lý thuyết về tên riêng của Balzac vừa nói đến ở trên) và Nông dân đã được dịch ra tiếng Việt; còn lại hai cuốn tiểu thuyết, Le Curé de village (Cha xứ làng - câu chuyện rất hấp dẫn có nhân vật chính là một người buôn đồng nát) và Viên bác sĩ nông thôn.

Đây là cuốn tiểu thuyết nơi, giống Tolstoy từng làm với nhân vật Levin trong Anna Karenina, Balzac trình bày lý tưởng về "vùng nông thôn" của mình. Cuốn tiểu thuyết này cũng đưa thành nhân vật chính những con người từng là lính của Napoléon: chưa bao giờ hình ảnh Napoléon đẹp đến thế trong tất tật các tác phẩm thuộc Vở kịch con người, tuy Một vụ việc mờ ám cũng có Napoléon nơi một trận đánh lớn, và tuy trong La Vendetta, Napoléon được miêu tả từ rất gần khi xuất hiện một người đồng hương đảo Corse gặp khốn khó, và thậm chí trong tác phẩm ấy còn xuất hiện cả người em trai của Napoléon Bonaparte, Lucien.

Các nhân vật của Balzac đã xuất hiện thì sẽ không mất hút hoàn toàn. Một nhân vật phụ của Viên bác sĩ nông thôn, người lính duy nhất sống sót trong tổng số những người cảm tử dựng cây cầu ở Berezina trong cuộc tháo chạy khủng khiếp khỏi nước Nga, còn xuất hiện ở một tác phẩm khác, Adieu (Vĩnh biệt).

Và các chủ đề của Vở kịch con người được lặp đi lặp lại theo nhiều cách thức khác nhau, bởi vì Balzac là một con người của sự kiệt cùng. Vậy nên, Viên bác sĩ nông thôn được viết vào đầu thập niên 30 của thế kỷ 19, thì hơn chục năm sau đó, Balzac quyết định viết một cuốn tiểu thuyết đi cặp đôi với nó; đó tiếp tục là một kiệt tác lớn, và đó chính là Mặt bên kia của lịch sử hiện thời, cuốn sách mà tôi đặt ở đầu tiên trong cuộc "trở về với Balzac" này.




Viên bác sĩ nông thôn


Cho những trái tim mang thương tích, là bóng tối và im lặng.


Tặng mẹ tôi


Chương một

VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI


Năm 1829, một sáng mùa xuân tươi đẹp, một người đàn ông trạc ngũ tuần cưỡi ngựa đi trên con đường núi dẫn tới một trấn lớn nằm không xa Đại Chartreuse[1]. Thị trấn này là thủ phủ của một tổng[2] đông dân nằm trọn trong một thung lũng trải dài. Một cái ghềnh đáy toàn đá thường xuyên cạn nước, lúc ấy đang đầy vì tuyết mới tan, tưới tắm cho thung lũng kẹp giữa hai dãy núi chạy song song, tứ phía án ngữ các chóp cao của vùng Savoie và vùng Dauphiné. Mặc dù các phong cảnh nằm giữa dãy hai Maurienne[3] mang dáng dấp quen thuộc, vùng mà người lạ mặt đang băng ngang trưng bày những uốn lượn mặt đất và ngẫu nhiên của ánh sáng mà người ta chỉ có thể vô vọng tìm ở nơi khác. Lúc thì thung lũng đột nhiên mở rộng trao tặng một tấm thảm xộc xệch cái màu xanh ấy, được nước không ngừng chảy xuống từ các ngọn núi giữ cho thật tươi tắn và êm dịu đối với con mắt vào mọi mùa. Khi một xưởng cưa lại lấp ló những bố trí khiêm nhường được sắp đặt đẹp đẽ, đống dự trữ những thanh gỗ thông dài lột vỏ, và dòng nước dẫn vào từ ghềnh nước, qua những đường ống lớn bằng gỗ khoét sâu, từ đó bốc lên qua các khe hở một làn hơi ẩm. Đây đó, các ngôi nhà mái rạ có vườn vây quanh, ken nhau cây ăn quả hoa nở tưng bừng đánh thức những suy nghĩ mà một vẻ khốn cùng cần lao tạo cảm hứng. Xa hơn là những nhà lợp mái đỏ, những viên ngói dẹt và tròn giống như vảy cá, chúng thông báo sự thịnh vượng dựa trên lao động và căn cơ. Cuối cùng, phía bên trên mỗi cánh cửa có thể nhìn thấy cái giỏ treo lủng lẳng dùng để phơi khô pho mát. Khắp nơi các hàng rào, vòng quây trở nên vui mắt nhờ những cành nho quấn quít, như ở bên Ý, bám vào các cây du nhỏ, lá dùng làm thức ăn cho gia súc. Do một đột xuất của tự nhiên, ở vài nơi các ngọn đồi sát nhau đến nỗi không còn thấy nơi sản xuất, cánh đồng, lẫn nhà mái rạ nào nữa. Chỉ được ngăn cách bởi cái ghềnh ồn ào lớn tiếng tại những đoạn nước xiết, hai bức tường đá granit cao dựng lên, phủ đầy những thông tán đen sẫm và sồi cao cả trăm bộ. Tất tật đều thẳng tắp, tất tật đều được tô màu theo lối kỳ khôi bởi các mảng rêu, tất tật đều có tán lá đa dạng, những cây này tạo thành các hàng cột tuyệt đẹp bao viền bởi, phía dưới và phía trên con đường, các hàng rào vô định hình của dương mai, kim ngân, hoàng dương, hồng dại. Hương rộn ràng của đám cây thấp ấy trộn lẫn với các mùi hoang dại của tự nhiên vùng núi, với vị rất đậm của những mầm tùng non, dương và thông lấy nhựa. Vài đám mây dịch chuyển giữa các tảng đá, chốc chốc lại che kín hoặc hé ra những ngọn màu ghi nhạt của chúng, thường cũng mờ mịt giống như các tụ hơi với những bông nhỏ dễ tan[4]. Vùng đất cứ không ngừng đổi vẻ, bầu trời đổi ánh sáng; các ngọn núi thì đổi màu, các triền thì thay sắc, các thung thì biến cải hình dạng: muôn bội hình ảnh mà các đối lập bất ngờ, hoặc một tia mặt trời xuyên các thân cây, hoặc một khoảng quang quẻ tự nhiên, hay đống đá sụt, khiến cho thật tuyệt diệu khi ngắm nhìn ở tâm điểm sự im lặng, vào cái mùa khi mọi thứ đều tươi trẻ, mặt trời thì hâm nóng một bầu trời thuần khiết. Nói tóm lại đó là một vùng đất đẹp, đó là nước Pháp[5]!

Vốn dĩ là một người vóc dáng cao lớn, lữ khách vận toàn đồ xanh lơ[6] được chải chuốt kỹ càng giống như hẳn sáng nào con ngựa lông mượt của ông cũng được chải chuốt, trên lưng nó ông ngồi thật thẳng và bắt vít chặt cứng giống một sĩ quan kỵ binh già tuổi. Nếu cái cà vạt màu đen và đôi găng tay da hoẵng của ông, nếu mấy khẩu súng làm phồng các túi xắc cốt, và cái áo choàng buộc cẩn thận trên mông con ngựa, vẫn còn chưa đủ chứng tỏ dáng vẻ nhà binh, thì khuôn mặt nâu sạm hơi lấm chấm rỗ của ông, tuy vậy lại có đường nét cân đối và đậm dấu ấn của sự vô tư lự bề ngoài, những cung cách cả quyết, vẻ tự tin trong ánh mắt, cách cái đầu của ông ngẩng cao, tất tật hẳn tiết lộ các thói quen nghiêm mật mà người lính chẳng bao giờ có thể gột bỏ, dẫu là sau khi đã quay trở về với cuộc sống dân thường. Bất kỳ ai khác hẳn đều thấy ngây ngất trước các vẻ đẹp của tự nhiên núi non vùng Alpes này, tươi cười đến vậy ở chỗ nó hòa vào với các bồn lớn của nước Pháp; nhưng viên sĩ quan, chắc hẳn từng đi qua các vùng đất nơi những đội quân nước Pháp được đưa tới vì các cuộc chiến tranh của đế chế, sung sướng tận hưởng phong cảnh này mà không tỏ ra kinh ngạc trước vô vàn tạo hình bất tuyệt. Nỗi kinh ngạc là một loại cảm giác mà Napoléon như thể đã tiêu diệt trong tâm hồn lính tráng của mình[7]. Vậy nên vẻ bình thản của khuôn mặt chính là một dấu hiệu chắc chắn nhờ đó một người quan sát có thể nhận ra những con người xưa kia từng đăng lính dưới các đại bàng phù du nhưng bất khả hủy diệt của Hoàng Đế vĩ đại. Quả thật người đàn ông này thuộc vào số các quân nhân, giờ đây đã trở nên khá hiếm, được đạn pháo kiêng dè, mặc dù họ đã lăn lộn trên mọi chiến trường vinh quang mà Napoléon từng thống lĩnh. Cuộc đời ông chẳng hề có chút ngoạn mục nào. Ông đã đánh trận với tư cách lính thường và trung thành, làm nghĩa vụ của mình trong đêm cũng như ban ngày, khi xa cũng như lúc gần ông chủ, không giáng lấy một nhát kiếm vô ích, và không có khả năng chém lung tung. Ông mang trên ngực huy hiệu hoa hồng dành cho tước officier của Bắc đẩu bội tinh[8] là bởi sau trận Moskova cả trung đoàn của ông đã đồng lòng như một chỉ định ông là người xứng đáng nhất để nhận lấy nó trong cái ngày trọng đại ấy. Thuộc vào số ít những con người có vẻ ngoài lạnh lùng, rụt rè, luôn luôn bằng an với bản thân mình, với ý thức bị làm nhục chỉ bởi một ý nghĩ sẽ phải đi xin xỏ, dẫu cho có là về chuyện gì, các cấp bậc được thăng cho ông chiểu theo những định luật chậm chạp của thâm niên. Trở thành thiếu úy năm 1802, mãi đến năm 1829 ông mới được phong thiếu tá[9], mặc cho hàng ria mép ghi xỉn của ông; nhưng đời ông thuần thành đến mức chẳng một con người nào của quân đội, dẫu đó là một vị tướng, lại không tiếp cận ông mà chẳng cảm thấy một cảm giác kính trọng bất giác, lợi thế không thể chối cãi mà có lẽ các thượng cấp đã không tài nào tha thứ được ở ông. Để bù lại, tất tật đám lính trơn đều dành cho ông một chút cái cảm giác mà trẻ con có với mẹ của chúng; bởi, đối với họ, ông biết cách tỏ ra vừa độ lượng vừa nghiêm khắc. Trước kia từng là lính giống như họ, ông biết rõ những niềm vui bất hạnh và những nỗi khốn cùng tươi sáng, các vi phạm có thể tha thứ hoặc cần trừng phạt của những người lính mà ông luôn luôn gọi là các con ta, ông sẵn sàng để mặc họ, khi đi chiến đấu, lấy lương thực hoặc đồ lông của những người tư sản. Về phần câu chuyện đời riêng của ông, nó bị chôn vùi trong sự im lặng sâu thẳm nhất. Cũng giống gần như mọi người lính của thời ấy, ông chỉ từng nhìn thế giới qua làn khói súng đại bác, hoặc trong những thời khắc hòa bình hiếm hoi đến thế giữa cuộc tranh đấu của châu Âu do Hoàng Đế chủ trương. Ông từng hay chưa từng âu lo đến chuyện hôn nhân? câu hỏi vẫn lửng lơ ở đó. Dẫu hẳn sẽ chẳng ai đặt nghi ngờ về chuyện com-măng-đăng[10] Genestas gặp nhiều vận hên khi lưu trú hết thành phố này đến thành phố khác, hết đất nước này đến đất nước khác, dự vào các bữa tiệc mà các trung đoàn tổ chức hoặc được mời, vẫn chẳng một ai có thể chắc cú chút nào về điều đó. Không tỏ ra đạo mạo, cũng chẳng từ chối một chầu vui, chưa hề xúc phạm phong hóa nhà lính, nhưng ông im hoặc cười lớn đáp lại mỗi lúc nào bị hỏi về tình ái. Trước những từ này: “Thế còn ngài, thưa com-măng-đăng?” do một sĩ quan thốt ra sau khi đã uống, ông đáp: “Ta uống thôi nào, thưa các anh!”

Là một dạng Bayard[11] trừ đi sự hào nhoáng, vậy nên con người ông Pierre-Joseph Genestas chẳng hề phô bày một chút ít nào thơ ca cũng như tiểu thuyết, trông ông rất mực bình thường. Dáng dấp của ông là dáng dấp của một người có của. Mặc dù ông chỉ có mỗi tiền lương lính cho toàn bộ tài sản, và lương hưu là tất tật tương lai, thế nhưng, cũng giống những con sói già của ngành thương mại, những kẻ đã được các bất hạnh trang bị cho một kinh nghiệm sát kề với sự cứng đầu, viên thiếu tá luôn luôn để dành hai năm lương và không bao giờ tiêu lạm vào tiền gốc. Ông có ít máu bài bạc đến nỗi ông nhìn xuống bốt mỗi lúc nào ở đại đội người ta gọi một người thế chỗ kẻ cháy túi hoặc muốn tăng món đặt cược trong trò écarté. Nhưng dẫu chẳng hề tự cho phép bất kỳ điều gì lạ thường, ông lại không lơ là bất kỳ chuyện thông thường nào. Các bộ quân phục của ông tồn tại trên người ông lâu hơn bất kỳ sĩ quan nào khác của trung đoàn, nhờ những chăm lo được truyền cảm hứng bởi tài sản ốm o, và cái thói quen ấy đã trở nên máy móc ở nơi ông. Có lẽ người ta hẳn đã ngờ là ông hà tiện, nếu không có tính cách rất xa lạ sự lý tài đáng ngưỡng mộ, nếu không có sự dễ dãi đầy tình huynh đệ mà ông thể hiện khi mở hầu bao cho một tay thanh niên nông cạn nào đó rỗng túi sau một ván bài hoặc sau một trò rồ dại hoàn toàn khác. Dường như xưa kia ông từng quẳng những món tiền lớn vào môn bài bạc, thành thử ông rất biết tế nhị khi ban ơn; ông chẳng hề nghĩ mình có quyền kiểm soát các hành động của người nợ tiền và không bao giờ nhắc đến món tiền vay. Vốn là lính toàn tòng, đơn độc trên cõi đời, ông đã biến quân đội thành tổ quốc cho mình, và biến trung đoàn của ông thành gia đình. Thành thử, hiếm khi nào người ta đi tìm hiểu động lực cho thói tiết kiệm đáng kính của ông, người ta đùa bằng cách nói điều đó liên quan tới ham muốn rất mực tự nhiên là làm tăng tổng khoản thư thái của ông những ngày già cả. Trước lúc ông trở thành trung tá kỵ binh, có thể nghĩ tham vọng của ông là rút về một vùng nông thôn nào đó cùng số tiền hưu và ngù vai đại tá. Sau đợt thao diễn, nếu các sĩ quan trẻ bàn tán về Genestas, họ xếp ông vào thứ hạng những con người từng giành được vinh quang vì học giỏi khi còn nhỏ, và rồi trong suốt cuộc đời luôn luôn thật chính xác, trung thực, không dục vọng, hữu ích và nhạt nhòa giống như bánh mì trắng; nhưng những người nghiêm túc đánh giá ông khác hẳn. Thường, một ánh mắt, một biểu hiện chất chứa nhiều ý nghĩa giống như lời nói người Mọi Rợ, bật ra từ con người này và chứng nhận, ở bên trong ông, những giông tố tâm hồn. Nếu quan sát thật kỹ, vầng trán bình thản của ông hé lộ cái quyền năng buộc im tiếng các dục vọng và dồn chúng xuống tận đáy trái tim, cái quyền năng đạt được với cái giá rất đắt nhờ thói quen hiểm nguy và bất hạnh đầy run rủi của chiến tranh. Con trai một nguyên lão nước Pháp[12], mới chân ướt chân ráo đến trung đoàn, từng có hôm phát biểu, về Genestas, rằng lẽ ra ông đã có thể trở thành linh mục toàn tâm nhất hoặc chủ hiệu thực phẩm trung hậu nhất: “Hãy thêm vào đó, người ít liếm gót các hầu tước nhất”, ông đáp, trừng trừng nhìn tay thanh niên phách lối, hắn không ngờ đã bị com-măng-đăng nghe thấy. Cử tọa phá lên cười, bố của viên trung úy là kẻ phỉnh nịnh mọi thứ quyền lực, một con người uốn éo đã quen nhảy thoăn thoắt phía trên các cuộc cách mạng, và thằng con trai thừa hưởng đức tính ấy từ ông bố. Tại các quân đoàn Pháp người ta có thể bắt gặp một số người có những tính cách như vậy, vừa đủ mức vĩ đại khi nào cần, sau hành động trở lại là người rất giản dị, chẳng hề bận tâm đến vinh quang, quên mình trong gian khó; có lẽ số người như vậy lớn hơn nhiều so với mức mà các khiếm khuyết trong bản chất chúng ta cho phép đặt giả định. Tuy nhiên hẳn người ta sẽ nhầm lẫn lớn nếu nghĩ Genestas là con người hoàn toàn. Đa nghi, rất dễ nổi xung dữ dội, hay móc máy trong các cuộc trò chuyện và nhất là muốn mình đúng trong khi thật ra đã nhầm, trong ông chất chứa các định kiến dân tộc[13]. Từ cuộc đời lính tráng ông đã lưu giữ thói khoái rượu chè. Những lúc rời khỏi một bữa ăn trong toàn bộ trang phục của cấp bậc, trông ông nghiêm trang, trầm ngâm, và khi đó ông không muốn để cho ai biết về bí mật những suy nghĩ của ông. Rốt cuộc, tuy ông biết khá rành nhiều mặt phong hóa của xã hội, cùng các luật của sự lịch thiệp, dạng quân lệnh mà ông tuân thủ với sự cứng nhắc nhà binh; tuy ông có trí tuệ do tự nhiên và do học hỏi được, tuy ông nắm được chiến thuật, ma nớp, lý thuyết đấu kiếm trên lưng ngựa và các khó khăn của nghệ thuật thú y, nhưng thật ra việc học hành của ông đã vô cùng bê trễ. Ông biết, nhưng chỉ lờ mờ, rằng César là một vị tổng tài hoặc một hoàng đế La Mã; Alexandre, một người Hy Lạp hoặc một người Macédoine; ông sẵn sàng chấp nhận một trong hai nguồn gốc hay phẩm tính mà không cãi cọ lôi thôi. Thành thử, trong những cuộc trò chuyện nhiều tính chất khoa học hoặc lịch sử, ông trở nên nghiêm nghị, nhất quyết chỉ tham gia bằng những cái gật đầu khe khẽ thể hiện sự nhất trí, giống như một con người sâu sắc đã đạt tới tầm vóc của chủ nghĩa hoài nghi[14]. Khi Napoléon viết thư gửi đến Schoenbrunn[15], ngày 13 tháng Năm năm 1809, trong bản thông cáo dành cho Đội Quân Vĩ Đại, đang làm chủ thành Viên, rằng, cũng như Médée, các ông hoàng nước Áo đã dùng chính tay mình bóp cổ lũ con cái, Genestas, lúc ấy vừa được thăng đại úy, không muốn hạ thấp phẩm giá cấp bậc của mình bằng cách đi hỏi xem Médée là ai, ông bèn đặt hết niềm tin cậy vào thiên tài của Napoléon, chắc chắn rằng Hoàng Đế hẳn chỉ có thể nói những chuyện chính thức với Đội Quân Vĩ Đại và với hoàng gia nước Áo; ông nghĩ Médée là một nữ đại công tước[16] có hạnh kiểm hơi khó hiểu. Tuy nhiên, vì điều đó có thể liên quan đến nghệ thuật quân sự, ông lo lắng về nhân vật Médée trong bản thông cáo, cho tới cái hôm cô Raucourt[17] tổ chức diễn lại vở Médée. Sau khi đọc áp phích, đại úy nhất quyết, tối hôm đó, đến nhà hát Théâtre-Français để xem nữ diễn viên nổi tiếng trong cái vai thần thoại ấy, mà ông hỏi được thông tin từ những người ngồi cạnh. Dẫu có vậy, một con người từng, lúc còn là lính trơn, có đủ nghị lực để học đọc, viết và tính toán, hẳn phải hiểu rằng, khi đã thăng đại úy, sẽ phải tự trang bị kiến thức. Thế là, kể từ quãng ấy, ông hăng say đọc tiểu thuyết và những cuốn sách mới, chúng mang lại cho ông các loại tri thức nửa vời khiến ông rút được khá nhiều lợi ích. Trong niềm biết ơn của ông hướng tới các bậc thầy, ông đã đi tận tới chỗ bảo vệ Pigault-Lebrun[17], nói rằng ông thấy ông ta rất hiểu biết và thường là sâu sắc.

Viên sĩ quan này, mà vốn dĩ sự thận trọng do kinh nghiệm mang lại không để cho thực hiện bất kỳ một việc gì vô ích, vừa rời Grenoble và tiến về phía Đại Chartreuse, sau khi được nhận, ngay trước khi thăng hàm đại tá, một đợt nghỉ phép tám ngày. Ông không định đi thật lâu; nhưng hết dặm này sang dặm khác, ông bị đánh lừa bởi những lời dối trá của đám nông dân mà ông hỏi đường[19], ông nghĩ sẽ là thận trọng hơn nếu kiếm cái dằn bụng trước khi đi tiếp. Mặc dù có rất ít cơ may gặp được một nội tướng ở nhà vào cái thời điểm ai ai cũng tất bật ngoài đồng này, ông dừng lại trước vài ngôi nhà mái rạ được bố trí theo dạng một không gian chung, tạo thành một quảng trường hình vuông khá là xẹo xọ, mở ra tứ phía. Nền đất của lãnh thổ gia đình này chắc và được quét tước sạch sẽ, nhưng bị chia cắt bởi những hố ủ phân. Những hoa hồng, dây thường xuân, cỏ mọc cao vươn lên dọc theo các bức tường nứt nẻ. Ở lối vào ngã tư có một cây lý chua xấu thảm hại trên đó phơi mấy thứ quần áo rách rưới. Cư dân đầu tiên mà Genestas bắt gặp là một con lợn con nằm phơi bụng trên đống rơm, nó, nghe thấy tiếng ngựa lộp cộp, kêu ủn ỉn, ngẩng đầu lên, và đuổi một con mèo đen to tướng chạy biến đi. Một cô nông dân trẻ tuổi, đặt trên đầu một bó cỏ lớn, đột nhiên xuất hiện, theo đuôi, cách một quãng, là bốn thằng nhóc ăn mặc lôi thôi, nhưng rất dạn, ồn ào, mắt thì trâng tráo, xinh xắn, da nâu, lũ quỷ đích thực trông rất giống các thiên thần. Mặt trời nhấp nháy và mang lại một thứ gì thật khó diễn tả, rất thuần khiết, cho bầu không khí, cho các mái rạ, những đống phân, cho toán trẻ con đầu bù tóc rối. Người lính hỏi ông có thể uống một cốc sữa không. Tất tật câu trả lời của cô gái là một tiếng hét khàn đục. Một bà già bỗng hiện ra trên ngưỡng một cái nhà, và cô nông dân bước vào một cái chuồng, sau khi khoát tay chỉ về phía bà già, Genestas bèn bước tới, vẫn phải giữ chặt con ngựa để nó không giẫm lên mấy thằng bé, chúng đã nhảy nhót giữa mấy cái chân của nó. Ông nhắc lời đề nghị, mà bà già kia từ chối thẳng cánh ngay lập tức. Bà không muốn, bà nói, múc lấy chỗ kem đựng trong mấy cái bình dành để làm bơ. Viên sĩ quan đáp lại lời từ chối này bằng lời hứa sẽ thanh toán cho thiệt hại, ông buộc ngựa vào cây cột chống một cánh cửa, và bước vào trong nhà. Bốn thằng bé, thuộc về người đàn bà, có vẻ cùng tuổi, một tình tiết kỳ cục khiến com-măng-đăng để ý. Bà già còn có thêm một đứa thứ năm gần như dính cứng lấy váy của bà, và nó, yếu ớt, nhợt nhạt, bệnh hoạn, hẳn đòi hỏi những chăm sóc rất cẩn thận; thấy rõ nó là đứa được cưng chiều nhất, thằng Benjamin[20].

Genestas ngồi ở góc một lò sưởi cao không lửa, trên kệ có tượng Đức Mẹ Đồng Trinh bằng thạch cao tô màu, ôm trong vòng tay Jesus hài đồng. Hình ảnh trác tuyệt! Nền nhà chỉ thuần đất. Xét về lâu dài, đất thoạt tiên được nện chặt đã trở nên khấp khểnh và, dẫu sạch sẽ, trông nó sần sùi giống vỏ cam. Trong lò sưởi treo lủng lẳng một cái hũ đựng đầy muối, một cái chảo, một cái nồi. Góc phòng kê một cái giường có cột, thành vuông vắn. Rồi, đây đó, những cái ghế nhỏ ba chân, được làm từ những thanh gỗ cắm vào một miếng gỗ sồi thô, một hòm đựng bánh mì, một cái thìa gỗ lớn để múc nước, một cái xô và mấy thứ đồ gốm đựng sữa, một cái xa để trên thùng, vài nong đựng pho mát, những bức tường đen, một cánh cửa gỗ mọt với phần phía trên gắn song thưa; đó là những trang trí và đồ đạc của căn nhà nghèo khó này. Giờ, đến tấn kịch mà viên sĩ quan được chứng kiến, ông giải trí bằng cách dùng roi ngựa quất xuống nền đất mà không ngờ rằng nơi đây sắp diễn ra một tấn kịch. Khi bà già, theo đít là Benjamin sài đẹn, biến mất vào một cánh cửa dẫn tới kho sữa của bà, bốn thằng nhóc, sau khi đã săm soi đủ mức ông nhà binh, bắt đầu công việc xử lý con lợn con. Con thú, mà chúng vẫn thường chơi đùa, đi tới bậu cửa; mấy thằng bé ào đến chỗ nó, rất chớp nhoáng, và giáng cho nó những cú đòn oách đến mức nó buộc phải khẩn cấp rút lui. Một khi kẻ thù đã bị đẩy bật ra bên ngoài, mấy thằng bé liền tấn công một cánh cửa có cái then, bị lay động vì những cố gắng của chúng, tuột ra khỏi cái chốt cũ kỹ; rồi chúng xông vào một dạng nhà kho đựng hoa quả nơi com-măng-đăng, thấy cảnh tượng này rất vui, nhanh chóng chứng kiến chúng say sưa gặm mận khô. Bà già với khuôn mặt nhăn nhúm và vận đồ rách rưới bẩn thỉu quay trở lại đúng lúc đó, cầm trên tay cốc sữa cho người khách của mình. “A! lũ khốn”, bà kêu lên. Bà chạy về phía mấy thằng nhóc, tóm lấy tay từng đứa, vứt chúng ra ngoài phòng, nhưng không giật lại mận, và cẩn thận đóng lại cánh cửa phòng chứa đồ dự trữ. “Này, này, các cưng, ngoan đi nhé.” “Nếu không canh giữ, chúng sẽ ăn cả đống mận, bọn này khiếp lắm!” bà nói, quay sang nhìn Genestas. Rồi bà ngồi xuống một cái ghế thấp, kẹp thằng bé ốm nhách vào giữa hai chân, và chải tóc cho nó, gội đầu nó với một sự khéo léo phụ nữ và những chú tâm mẫu tử. Bốn thằng kẻ cắp tí hon vẫn nán lại, đứa thì đứng, đứa bíu vào giường hay cái hòm, tất cả thò lò mũi và bẩn thỉu, tuy nhiên quần áo thì đẹp, nhằn mận không nói năng gì, nhưng nhìn người lạ mặt với vẻ gian xảo và nhạo báng.

“Con của bà đấy à? người lính hỏi bà già.

- Xin thứ lỗi, thưa ông, chúng là trẻ nhà tế bần đấy. Tôi được trả ba franc mỗi tháng cùng một livre xà phòng cho mỗi đứa.

- Nhưng, bà bạn thân mến, chắc chúng phải khiến bà tốn kém gấp đôi.

- Thưa ông, đó cũng chính là điều mà ông Benassis nói với chúng tôi; nhưng nếu những người khác trông trẻ với cùng giá ấy, thì cũng đành phải chấp nhận thôi chứ biết làm sao. Làm gì có ai không thích trẻ con! Điều kiện lằng nhằng lắm mới được nhận nuôi chúng. Vì sữa thì miễn phí nên chúng có khiến chúng tôi phải tiêu gì nhiều nhặn đâu. Vả lại, thưa ông, ba franc, đó cũng là một món. Thế tức là mười lăm franc kiếm được, chưa tính năm livre xà phòng. Ở các tổng chúng tôi, biết bao nhiêu người trần mình làm lụng để kiếm mười xu mỗi ngày đấy.

- Thế bà có đất riêng không? Com-măng-đăng hỏi.

- Không, thưa ông. Tôi từng có đất hồi ông chồng quá cố của tôi còn sống; nhưng ông ấy chết rồi thì tôi bất hạnh quá, nên đã phải bán hết đi.

- Này! kìa, Genestas nói tiếp, làm thế nào mà bà có thể sống qua cả năm mà không phải nợ nần với cái nghề trông trẻ, giặt giũ và nuôi lũ trẻ con hai xu mỗi ngày?

- Nhưng, bà đáp, vẫn tiếp tục chải đầu cho thằng bé sài đẹn của mình, chúng tôi đâu có tới được ngày Saint-Sylvestre[21] mà không mắc nợ, thưa ông thân mến. Ông muốn gì nào? có Chúa lòng lành cứu giúp. Tôi có hai con bò cái. Rồi con gái tôi và tôi, chúng tôi chạy đáo khắp nơi vào mùa gặt, mùa đông thì chúng tôi đi vào rừng; rồi thì, tối đến, chúng tôi xe chỉ. A! chẳng hạn, giá kể đừng có luôn luôn một mùa đông như mùa đông vừa xong. Tôi nợ ông chủ cối xay bột bảy mươi lăm franc. Rất may vì đó là ông xay bột của ông Benassis. Ông Benassis, đó là một người bạn của dân nghèo! Ông ấy chưa bao giờ đòi nợ bất kỳ ai, ông ấy sẽ không bắt đầu làm việc ấy từ chỗ chúng tôi. Mà con bò của chúng tôi đẻ được bê rồi, như thế cũng là được hẳn một khoản.”

Bốn thằng bé mồ côi, với chúng tất tật sự bảo vệ của con người được dồn tụ vào tình trìu mến của bà già nông dân này, đã ăn xong đống mận của mình. Chúng lợi dụng lúc mẹ của chúng đang hướng chú ý đến ông sĩ quan để trò chuyện, tiến lên theo một hàng dọc, ép sát vào nhau, định thêm một lần nữa làm bung then cài của cánh cửa ngăn cách chúng với đống mận tốt lành. Chúng đến được đó, không phải giống như những người lính Pháp khi a la xô, mà lặng ngắt ngậm tăm giống như người Đức[22], bị thúc đẩy bởi một thói háu ăn ngây thơ và tàn bạo.

“A! lũ dở người. Chúng mày có thôi ngay đi không?”

Bà già đứng dậy, túm lấy đứa khỏe nhất trong bốn thằng, vỗ nhẹ một cái vào mông nó rồi ném nó ra ngoài; nó không hề khóc, mấy thằng còn lại đứng yên, ngây ra nhìn.

“Bọn này làm bà khốn khổ nhiều đấy nhỉ.

- Ồ! không, thưa ông, nhưng chúng ngửi thấy mùi đống mận của tôi, lũ cưng ấy. Nếu tôi để mặc chúng chỉ một chốc lát thôi, chúng sẽ nốc đến phát ốm.

- Bà yêu chúng?”

Nghe thấy câu hỏi này bà già ngẩng đầu lên, nhìn người lính hơi có chút nhạo báng, và đáp: “Tôi có yêu chúng không! Tôi đã giao trả ba đứa, bà nói thêm, thở dài đánh thượt, tôi chỉ trông cho đến khi nào chúng sáu tuổi thôi.

- Nhưng con bà đâu rồi?

- Tôi mất nó rồi.

- Thế bà bao nhiêu tuổi, Genestas hỏi, với mục đích phá đi hiệu ứng của câu hỏi trước đó.

- Ba mươi tám, thưa ông. Lễ Saint-Jean tới đây sẽ là tròn hai năm kể từ ngày chồng tôi chết[23].”

Bà mặc xong quần áo cho thằng nhóc ốm o, nó như thể bày tỏ lòng biết ơn với bà bằng một ánh mắt nhợt nhạt và dịu dàng.

“Một cuộc đời mới nhẫn nhịn và chăm chỉ làm sao!” viên sĩ quan kỵ binh thầm nghĩ.

Dưới mái nhà này, thật xứng với tàu ngựa nơi Jesus Christ chào đời, được hoàn thành trong niềm vui, không vương chút kiêu ngạo nào, các bổn phận khó nhọc nhất của tình mẫu tử. Những trái tim mới lớn lao làm sao, chúng vùi chôn nơi đáy sâu thẳm nhất! Sự giàu có mới lớn làm sao và sự nghèo khó mới lớn làm sao! Lính, hơn nhiều so với các người khác, biết trân trọng khía cạnh đẹp trong sự trác tuyệt của những thứ nghèo nàn, trong Tin Mừng ăn vận rách rưới. Ở chỗ khác có Quyển Sách, văn bản đã được lịch sử hóa, khâu lại, xén bằng, bọc nhiễu quý, lụa mềm, vải xa tanh; nhưng nơi đây chắc hẳn có tinh thần của Quyển Sách. Sẽ chẳng thể không tin vào một ý hướng tôn giáo nào đó của bầu trời, khi chứng kiến người đàn bà này tự biến mình thành mẹ giống như Jesus Christ tự biến mình thành người, đi nhặt nhạnh, chịu đau khổ, gánh tội nợ giùm những đứa trẻ bị bỏ rơi, và nhầm lẫn trong các tính toán, mà không muốn công nhận mình lụn bại vì làm mẹ. Trước dáng vẻ của người đàn bà này nhất thiết phải nhận ra một số thông giao giữa những con người tốt đẹp chốn hạ giới và các trí tuệ trên cao kia; vậy nên com-măng-đăng Genestas vừa nhìn bà vừa gật gật đầu[24].

“Ông Benassis có phải là bác sĩ giỏi không? rốt cuộc ông cất tiếng hỏi.

- Tôi không biết, thưa ông thân mến, nhưng ông ấy chữa khỏi bệnh cho người nghèo mà không lấy gì.

- Dường như, ông nói tiếp, tự nhủ với chính mình, nhất quyết người này là một con người.

- Ôi! đúng, thưa ông, và là một người trung hậu! nên chi chẳng mấy người ở đây không nhắc đến ông ấy trong những lời cầu nguyện buổi tối và buổi sáng!

- Đây, của bà đây, bà mẹ, người lính nói, đưa bà mấy đồng xu. Và đây là cho bọn trẻ con, ông nói, đưa thêm một đồng écu[25]. Tôi còn ở xa nhà ông Benassis lắm không? ông hỏi khi đã ngồi lên lưng ngựa.

- Ôi! không, thưa ông thân mến, nhiều nhất là một dặm nữa thôi.

Com-măng đăng lên đường, tin rằng sẽ còn phải đi thêm hai dặm nữa[26]. Tuy nhiên ông sớm nhìn thấy thấp thoáng qua hàng cây một xóm nhỏ đầu tiên, rồi cuối cùng là các mái nhỏ của thị trấn châu tuần quanh một gác chuông nhà thờ mọc lên theo hình chóp và với các phiến đá mỏng được cố định lên các góc chái bởi những miếng sắt tây lấp lánh trong ánh mặt trời. Cái mái này, với một hiệu ứng độc đáo, thông báo đường biên giới với vùng Savoie, nơi nó hay được sử dụng. Ở địa điểm này thung lũng mở rộng. Nhiều nhà nằm thơ mộng trên bình nguyên nhỏ hoặc dọc theo cái ghềnh gây sống động cho vùng đất trồng trọt phì nhiêu này, tứ phía được bao bọc bởi núi và không thấy ngay là có lối thoát nào mở ra hay không. Cách vài bước cái trấn nằm chơi vơi trên sườn cao này, giữa trưa, Genestas dừng ngựa dưới rặng du trên con đường lớn, trước một đám trẻ con[27], và hỏi chúng nhà của ông Benassis. Chúng bắt đầu nhìn nhau, và săm soi người lạ mặt với dáng vẻ mà chúng dùng để quan sát mọi thứ gì lần đầu tiên hiện ra trước mắt chúng: ngần ấy vẻ bên ngoài, ngần ấy nỗi tò mò, ngần ấy suy nghĩ khác nhau. Rồi thằng dạn người nhất, mặt mũi tươi tỉnh nhất trong nhóm, một thằng bé có ánh mắt rất hoạt, đi chân trần và lấm bẩn nhắc lại với ông, theo đúng kiểu trẻ con: “Nhà của ông Benassis, thưa ông?” Và nói thêm: “Cháu sẽ dẫn ông tới đó.” Nó đi trước con ngựa, vừa để giành lấy một tính chất quan trọng trong việc đi cùng một người lạ mặt, vừa do thôi thúc của một sự tốt bụng trẻ con, hoặc giả để tuân theo nhu cầu cháy bỏng được hoạt động, cái nhu cầu điều khiển cả tinh thần và thể xác vào tuổi này. Viên sĩ quan đi theo phố chính của thị trấn đến hết chiều dài của nó, một phố lổn nhổn sỏi, khúc khuỷu, hai bên là những ngôi nhà được xây dựng theo ý thích của chủ nhân. Nơi đây một cái lò tiến ra đến tận giữa đường, ở kia một đầu hồi nhà hiện ra xiên xiên, chắn mất một phần con đường, rồi một dòng suối chảy từ trên núi xuống cắt ngang nó bằng các lạch nước. Genestas trông thấy nhiều mái nhà lợp gỗ đen, nhưng nhiều hơn là mái rạ, một số lợp ngói, bảy hay tám lợp đá, chắc hẳn nhà của cha xứ, của thẩm phán[28] và các nhà tư sản nơi này. Tất tật là vẻ buông tuồng của một ngôi làng, chỉ cần đi quá là không còn đất đai gì nữa, như thể chẳng dẫn đến gì và chẳng lệ thuộc vào cái gì; dường như cư dân của nó tạo thành chỉ một gia đình duy nhất nằm bên ngoài hoạt động xã hội, và chỉ gắn vào đó thông qua người phụ trách thu thuế hoặc thông qua những đường dây mối nhợ khó lòng biết tường tận. Đi thêm vài bước nữa, Genestas thấy phía trên núi một con đường rộng nhìn xuống ngôi làng này. Hẳn là có một trấn cũ và một trấn mới. Quả thật, tới một chỗ quang, và tại một nơi com-măng-đăng hãm ngựa đi chậm lại, ông có thể dễ dàng nhìn thấy những ngôi nhà xây dựng vững chãi với các mái mới làm vui mắt hẳn ngôi làng cũ. Trong các nhà mới ấy, mà một con đường trồng nhiều cây non chạy qua phía bên trên, ông nghe những tiếng hát thường gặp ở các công nhân bận tay làm việc, tiếng thì thầm của vài cái xưởng, tiếng những cái giũa cọt kẹt, tiếng búa quai, những tiếng kêu hỗn độn của nhiều loại công việc. Ông nhận ra làn khói mảnh bốc lên từ các ống khói nhà và khói đặc hơn từ lò rèn của người thợ đóng xe, của người thợ khóa, của người thợ đóng móng ngựa. Rốt cuộc, ở cuối làng, phía mà chú bé dẫn đường đang đưa ông tới, Genestas trông thấy các trang trại rải rác, những cánh đồng được cày bừa kỹ, những khu trồng cây hết sức khéo léo, và giống như một góc nhỏ của Brie[29] mất hút vào một nếp đất rộng lớn mà, mới thoạt nhìn qua, hẳn ông đã không ngờ tới sự tồn tại ở giữa trấn và những ngọn núi báo hiệu kết thúc của vùng.

Thằng bé sớm dừng lại. “Kia là cửa nhà ông ấy”, nó nói.

Viên sĩ quan xuống ngựa, và quấn dây cương vào cánh tay; rồi, nghĩ rằng mọi sự nhọc công đều xứng đáng được trả thù lao, ông rút vài xu từ cái túi đựng tiền đưa cho thằng bé, nó cầm lấy, vẻ rất kinh ngạc, mắt mở tròn, không cảm ơn, và đứng lại đó để nhìn.

“Tại nơi này nền văn minh tiến lên rất ít, các tôn giáo của lao động vẫn còn giữ được đầy đủ sức mạnh, và thói xin xỏ vẫn còn chưa len lỏi vào được”, Genestas nghĩ.

Rồi, vì tò mò nhiều hơn là vì quan tâm, chú bé dẫn đường của người nhà binh đu mình lên một gờ tường thấp lúp xúp có chức năng rào lại cái sân của ngôi nhà, và trong đó gắn một hàng rào gỗ đen kịt, chạy về cả hai phía của những cây cột chống cửa.

Cánh cửa này, phần bên dưới đặc và trước kia được sơn màu ghi, kết thúc ở phía trên bằng các song thưa màu nâu chuốt nhọn như mũi giáo. Các hình trang trí ấy, mà màu sắc đã bợt đi hết, vẽ nên một vòng cung ở đoạn cao của mỗi cánh, và chụm lại, khi cửa đóng, tạo thành hình một quả thông lớn ở trên cùng. Cái cửa này, bị lũ sâu gặm, lốm đốm rêu mượt, và gần như bị tàn phá dưới tác động thay nhau của mặt trời và của mưa. Bị vài cây lô hội và cây gai mọc tứ tung cao vượt hẳn lên, mấy trụ tường che giấu thân của hai cây keo inermis[30] trồng trong sân, với các túm lá xanh vươn lên giống mấy nùi thoa phấn. Tình trạng cái cửa hé lộ nơi người chủ một sự vô lo nghĩ như thể khiến viên sĩ quan không thích, ông nhíu mày như một người buộc phải chối bỏ một ảo tưởng nào đó. Chúng ta đã quá quen với việc đánh giá người khác căn cứ vào bản thân chúng ta, và tuy có thể vui vẻ giải tội cho họ vì có các khiếm khuyết của chúng ta, nhưng chúng ta lại buộc tội họ rất nghiêm khắc bởi đã không có các phẩm chất của chúng ta. Com-măng-đăng muốn ông Benassis là một người cẩn thận và kỹ tính, nhưng chắc hẳn, cửa nhà ông thông báo một sự lơ là hoàn toàn ở phương diện tài sản. Thế nên một người lính đắm đuối sự tiết kiệm trong sinh hoạt ở mức độ của Genestas hẳn phải chóng vánh kết luận, từ cái cửa suy tới cuộc sống và tính cách của người còn chưa gặp; điều này thì, dẫu là người rất cẩn trọng, ông làm luôn. Cánh cửa đang mở hé, thêm một sự vô lo nghĩ nữa! Nương theo lòng tin tưởng quê kệch bày ra ấy, viên sĩ quan cứ thế đi thẳng vào trong sân, buộc con ngựa vào mấy thanh hàng rào, và trong lúc ông đang thắt nút sợi dây cương, một tiếng hí vang ra từ tàu ngựa, con ngựa của kỵ sĩ bất giác quay đầu nhìn sang phía đó; một gia nhân già mở cửa tàu ngựa, nhô cái đầu đội mũ bonnê len đỏ hay thấy trong vùng ra, và trông nó giống hệt cái mũ bonnê phrygien mà người ta đội lên cho nữ thần Tự Do[31]. Vì có chỗ cho nhiều ngựa, ông kia, sau khi hỏi có phải Genestas đến gặp ông Benassis không, đề xuất đưa ngựa của ông vào trong tàu, ngắm nhìn với sự trìu mến và ngưỡng mộ con vật rất đẹp kia. Com-măng-đăng đi theo con ngựa, để xem nó được đối xử như thế nào. Chuồng ngựa sạch, đồ độn chuồng dồi dào, và hai con ngựa của Benassis có cái dáng điệu sung sướng ấy, nó làm nhận ra giữa cả một đám ngựa một chú nghẽo của cha xứ. Một cô hầu, từ bên trong nhà đi ra hiên, như thể đang trang trọng đợi các câu hỏi của người lạ, ông đã được người trông coi chuồng ngựa thông báo là ông Benassis không có nhà.

“Chủ chúng tôi đến chỗ cối xay lúa mì rồi, ông ta nói. Nếu muốn đến đó gặp luôn, ông chỉ cần đi theo con đường dẫn đến cánh đồng, cối xay gió nằm ở cuối đó.”

Genestas thích thăm thú trong vùng hơn là chờ đợi một cách bất định Benassis trở về, thế là ông đi theo con đường dẫn tới cối xay lúa mì. Khi vượt qua đường cong ngoằn ngoèo mà trấn vạch ra trên sườn núi, ông nhìn thấy thung lũng, cối xay gió, và một trong những phong cảnh tuyệt diệu nhất mà ông từng nhìn thấy.

Bị chân núi chặn lại, dòng sông tạo thành một hồ nhỏ phía trên đó các vách đá dựng lên thành nhiều tầng, để cho ta đoán định rất nhiều thung lũng của chúng thông qua các sắc ánh sáng khác nhau hoặc thông qua vẻ thuần khiết ít nhiều sống động của các đỉnh, thảy đều trĩu nặng thông đen. Cối xay, mới được dựng gần đây nơi cái ghềnh tuôn nước xuống hồ nhỏ, có cái vẻ quyến rũ của một ngôi nhà cô lẻ giấu mình ở giữa nước, giữa chỏm của nhiều cây thủy sinh. Ở bờ sông bên kia, dưới chân một ngọn núi khi ấy được chiếu sáng nhợt nhạt ở trên đỉnh bởi các tia màu đỏ của mặt trời đang lặn, Genestas thoáng thấy chừng chục ngôi nhà mái rạ bị bỏ hoang, không cửa sổ cũng chẳng cửa ra vào; những mái đã xập xệ của chúng cho thấy những lỗ thủng to tướng, các mảnh đất xung quanh tạo nên những cánh đồng được cày bừa và gieo trồng rất cẩn thận; các khu vườn xưa đã được biến thành cánh đồng được tưới nước bởi hệ thống thủy lợi bố trí rất khôn ngoan giống như ở Limousin. Com-măng-đăng máy móc dừng chân để ngắm phế tích ngôi làng kia.

Tại sao con người chẳng bao giờ nhìn mọi đổ nát mà không nảy sinh một xúc cảm sâu xa, ngay cả những gì khiêm nhường nhất? hẳn đối với họ chúng là hình ảnh nỗi bất hạnh mà sức nặng được họ cảm nhận theo nhiều cách thức đa dạng đến thế. Các nghĩa trang khiến người ta nghĩ đến cái chết, một ngôi làng bị bỏ hoang làm người ta hình dung những nỗi khó nhọc của cuộc đời; cái chết là một nỗi bất hạnh được dự đoán từ trước, còn những khó nhọc của cuộc đời thì bất tận. Vô tận chẳng phải bí mật của những nỗi sầu muộn đó ư? Viên sĩ quan đã đi tới đoạn đế bằng đá của cối xay mà không sao tự giải thích nổi cho mình về sự bỏ hoang ngôi làng này, ông hỏi Benassis đâu ở chỗ một người xay bột ngồi trên các bao tải lúa mì chất trước cửa ngôi nhà.

“Ông Benassis đi về phía kia, người xay bột nói, chỉ tay vào một trong những ngôi nhà mái rạ đổ.

- Làng này bị cháy à? com-măng-đăng hỏi.

- Không, thưa ông.

- Thế tại sao nó lại ra nông nỗi này? Genestas hỏi.

- A! tại sao? người xay bột đáp, nhún vai và quay trở lại vào nhà, ông Benassis sẽ nói cho ông biết.

Viên sĩ quan đi qua một dạng cầu làm bằng những tảng đá lớn giữa đó ghềnh nước chảy qua, và sớm tới ngôi nhà đã được chỉ cho. Rạ của nhà này vẫn còn nguyên, phủ đầy rêu, nhưng không thủng, và cửa dả có vẻ vẫn còn rất tốt. Bước vào đó, Genestas nhìn thấy lửa cháy trong lò, ở góc có một bà già đang quỳ gối trước một người bệnh ngồi trên cái ghế, và một người đàn ông đứng, mặt hướng về phía lò. Bên trong ngôi nhà này chỉ có một phòng duy nhất được chiếu sáng qua một sa xi xấu xí căng vải. Nền nhà bằng đất nện. Cái ghế, một cái bàn và cái giường tồi tàn là tất tật đồ đạc. Chưa từng bao giờ com-măng-đăng chứng kiến một sự giản dị, trần trụi đến như thế này, tính cả hồi bên Nga nơi các nhà lán của người Moujik giống như mấy cái hang. Nơi đây, chẳng gì chứng nhận cho những điều của cuộc đời, thậm chí còn không có cả đến thứ dụng cụ thiết yếu nhỏ nhặt nhất để nấu các món đơn sơ nhất. Ta có thể nói đây là ổ của một con chó nhưng không có cái đĩa sâu lòng của nó. Nếu không có giường, một cái áo choàng dài treo trên đinh và đôi guốc lót rơm bên trong, những thứ quần áo duy nhất của người bệnh, ngôi nhà mái rạ này hẳn đã có vẻ hoang vắng giống như những nhà khác. Người đàn bà quỳ gối, nông dân và đã rất già, cố sức giữ hai bàn chân người bệnh trong một chậu gỗ đựng đầy một thứ nước màu nâu. Nghe thấy tiếng bước chân mà đinh thúc ngựa khiến cho trở nên kỳ khôi đối với những cái tai đã quen với nhịp bước buồn tẻ của người nông thôn, người đàn ông ngoảnh đầu nhìn Genestas, tỏ ra khá kinh ngạc, sự kinh ngạc mà bà già cũng chia sẻ.

“Tôi không cần, nhân vật nhà binh cất tiếng, phải hỏi ông có phải là Benassis không. Vốn là người lạ, sốt ruột được gặp ông, xin ông thứ lỗi cho tôi, thưa ông, vì đã đến tìm ông tại chiến trường của ông thay vì đợi ông ở nhà. Ông đừng để tâm, cứ làm việc của ông đi. Chừng nào ông xong rồi, tôi sẽ nói cho ông tại sao tôi đến đây.”

Genestas ngồi hờ lên gờ cái bàn và giữ trật tự. Ngọn lửa khiến lan tỏa trong ngôi nhà mái rạ một ánh sáng mạnh hơn ánh sáng của mặt trời với các tia của nó, bị bẻ gãy bởi đỉnh các ngọn núi, chẳng bao giờ có thể tới được cái khoảng này của thung lũng. Trong ánh sáng của thứ lửa ấy, được tạo ra bởi vài cành thông nhiều nhựa giữ được một ánh lửa bừng, nhân vật nhà binh nhìn thấy khuôn mặt người đàn ông mà một mối quan tâm bí mật buộc ông phải tìm kiếm, phải săm soi, phải biết cho rõ hết mức. Ông Benassis, bác sĩ của tổng, đứng đó hai tay khoanh lại, lạnh lùng nghe Genestas nói, chào đáp lại, rồi quay về phía người bệnh mà không nghĩ mình trở thành đối tượng cho một sự quan sát nghiêm túc đến thế, như nhân vật nhà binh đang làm lúc này.

Benassis là một người có tầm vóc trung bình, nhưng vai ngang và rộng ngực. Một cái rơ đanh gốt lùng thùng màu lục, cài cao đến cổ, ngăn viên sĩ quan nắm bắt các chi tiết đặc trưng đến vậy của nhân vật này hoặc phong thái của ông; nhưng bóng tối và sự bất động mà cơ thể đang ở trong khiến nổi bật khuôn mặt, khi ấy được ánh lửa phản chiếu soi tỏ. Người đàn ông này có một khuôn mặt giống mặt một satyre[32]: cùng cái trán hơi gồ, nhưng đầy những chỗ u lên tất tật đều ít nhiều thấy rõ: cùng cái mũi hếch, chỏm vát[33]; cùng hai gò má cao. Cái miệng uốn lượn, cặp môi dày và đỏ. Cằm thì đột nhiên dựng lên. Cặp mắt nâu và sống động với một ánh nhìn sắc được màu xà cừ của lòng trắng khiến cho lóe lên, diễn tả các dục vọng đã giảm mức độ. Mái tóc xưa kia đen giờ xám, các nếp nhăn hằn sâu trên mặt và hai hàng lông mày rậm đã bạc, cái mũi trở nên giống củ hành và vằn gân, nước da vàng điểm những đốm đỏ, ở ông mọi thứ đều thông báo độ tuổi năm mươi và những công việc khắc nghiệt của cái nghề ông làm. Viên sĩ quan chỉ có thể suy đoán năng lực của cái đầu, khi đó đội mũ cát két; nhưng dẫu cho bị che đi bên dưới cái mũ ấy, đối với ông trông nó vẫn có vẻ giống những cái đầu theo thành ngữ là chữ điền[34]. Vốn dĩ quá quen, với các liên hệ ông từng có với những đàn ông cương nghị mà Napoléon tìm kiếm, việc nhìn nhận các đường nét con người dành sẵn cho những điều lớn lao, Genestas đoán có một bí ẩn nào đó trong cuộc đời mờ tối ấy, và tự nhủ khi nhìn khuôn mặt lạ thường kia: Vì sự tình cờ nào mà ông ta làm bác sĩ ở nông thôn? Sau khi nghiêm túc quan sát cái vẻ ngoài ấy, nó, mặc cho các tương đồng với những khuôn mặt người khác, để lộ một sự tồn tại bí mật không ăn nhập với những nét tầm thường bên ngoài, nhất thiết ông chia sẻ mối quan tâm mà viên bác sĩ đang dành cho người bệnh, và việc ngắm nhìn người bệnh đó làm thay đổ hoàn toàn mạch suy nghĩ của ông.

-----------

[1] Tu viện Grande-Chartreuse nổi tiếng, được xây dựng từ thế kỷ XI tại thung lũng Chartreuse, không xa thành phố Grenoble (cực Đông nước Pháp, về phía Nam). Đây là một tu viện có chế độ sống đặc biệt hà khắc, nghiêm ngặt và khép kín, người bên ngoài không được phép vào; các ông thầy tu ở đây được gọi là các “chartreux” hoặc “cartusien”.
[2] “Canton”, từ quan trọng trong câu chuyện, được dịch thống nhất là “tổng”.
[3] Dường như Balzac là người duy nhất dùng cụm từ “la chaîne des deux Mauriennes”, như thể “Maurienne” là núi, trong khi đây là tên một thung lũng vùng núi Alpes.
[4] Nhiều người thấy có rất nhiều điểm giống giữa các miêu tả tự nhiên của Balzac và những miêu tả của Chateaubriand trước đó (tuy nhiên, Chateaubriand còn xa mới hay được Balzac nhắc tới trong Vở kịch con người bằng Stendhal).
[5] Thông thường, Balzac hay dành lời cảm thán này cho vùng Touraine quê hương (đối với Balzac, Touraine mới là nước Pháp đích thực); ở đây chắc vì mới viết được một đoạn văn ưng ý quá nên Balzac tỏ ra dễ tính đối với các vùng khác của nước Pháp hơn, so với thường lệ.
[6] Các chuyên gia về Balzac (vốn dĩ rất lắm chuyện) đề nghị coi màu xanh lơ (không phải quân phục) này trên người Genestas có tính chất biểu tượng cho sự sung túc của giới tư sản, nó tương phản với màu lục trang phục của bác sĩ Benassis mà ta sẽ sớm gặp.
[7] Cùng Stendhal, có lẽ Balzac là nhà văn nghiên cứu Napoléon kỹ lưỡng nhất, đặc biệt ở khía cạnh “tâm lý”; việc Napoléon được nhắc tới ngay từ đầu này là rất quan trọng và liên quan mật thiết tới câu chuyện.
[8] Bắc đẩu bội tinh (Légion d’honneur) là tước hiệu do Napoléon lập ra vào năm 1802, lần đầu trao năm 1804; đây là cách thức Napoléon dùng để tạo lập một hệ thống “quý tộc” mới (“quý tộc cũ” gần như đã đi lưu vong hết cả); về cơ bản Bắc đẩu bội tinh gồm ba tước, chevalier, officier và commandeur.
[9] Cấp bậc đã được quy đổi cho dễ hiểu: Genestas là “chef d’escadron”, cấp bậc này trong kỵ binh có thể coi là tương đương “thiếu tá” bên bộ binh. Auguste de Maulincour của Ferragus cũng là quân nhân thuộc kỵ binh, và có cấp bậc tương tự, nhưng vì là quý tộc và nhiều thế lực nên trở thành thiếu tá năm mới hăm ba tuổi.
[10] “Commandant” có thể coi là “trung tá”; vả lại ở thời điểm này Genestas chuẩn bị được phong “colonel” (đại tá); ở đây Genestas sẽ được gọi là “com-măng-đăng”, danh từ rất phổ biến trong tiếng Việt.
[11] Pierre Terrail, tức “hiệp sĩ Bayard”, quý tộc vùng Dauphiné, chiến đấu trong các cuộc chiến tranh nước Ý cuối thời Trung cổ, đặc biệt nổi tiếng trong giới lính tráng Pháp.
[12] Danh hiệu “pair de France” (chế độ “pairie”) là một thứ rất loằng ngoằng, phức tạp, sẽ đi sâu ở các tác phẩm thuộc Vở kịch con người liên quan mật thiết đến vụ ấy.
[13] Balzac không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội nhỏ để nói xấu người Pháp.
[14] Balzac dùng ở đây từ “pyrrhonisme”, xuất phát từ Pyrrhon.
[15] Lâu đài rất lớn ở Viên.
[16] Không phải ở đâu cũng có tước hiệu “đại công tước”.
[17] Cô Raucourt (đây là một nghệ danh) là nữ diễn viên nổi tiếng, được Napoléon giao cho tổ chức các buổi diễn kịch Pháp tại Ý; Balzac cũng nhắc đến Raucourt trong Ferragus; những ai, giống Genestas, không biết Médée và vở kịch Médée, có thể tra google.
[18] Một tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết bình dân; Balzac hồi nhỏ cũng rất thích và hay đọc Pigault-Lebrun.
[19] Cũng như ở Một vụ việc ám muội, ta dễ dàng thấy trong sự miêu tả của mình Balzac thường xuyên hạ thấp người nông dân.
[20] Benjamin có thể là tên riêng, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là “con út”.
[21] Ý nói cho đến hết năm (ngày Thánh Sylvestre là ngày 31 tháng Chạp).
[22] Người Đức ít bị Balzac bêu riếu hơn so với người Anh, nhưng ít không đồng nghĩa với không thâm nho, cay độc.
[23] Đọc đoạn trên, ta tưởng đâu người đàn bà này phải sáu, bảy mươi tuổi; ngày Thánh Jean là ngày hạ chí.
[24] Trái ngược hoàn toàn với điều chúng ta vẫn hay được dạy ở Việt Nam, rằng Balzac thuộc vào số ít ỏi nhân loại chiến đấu vì tiến bộ của xã hội, tránh xa những hủi lậu của tôn giáo, thứ thuốc phiện đáng kinh hãi của nhân dân, Balzac lại chính là người ủng hộ tôn giáo một cách quyết liệt và mạnh mẽ, tin rằng tôn giáo là tốt đẹp và tối cần thiết cho xã hội con người. Hàng chục tác phẩm thuộc Vở kịch con người cho thấy rõ điều này (Jésus-Christ en Flandre thuộc “Études philosophiques” thể hiện rất rõ tư tưởng của Balzac: Balzac coi trọng nền quân chủ và Thiên chúa giáo, và đặc biệt ghét đạo Tin lành, cho rằng ở nền tảng của đạo Tin lành không phải lòng tin, mà là sự nghi ngờ), trong đó có Viên bác sĩ nông thôn.
[25] Tiền bao giờ cũng là vấn đề rất đau đầu: ta sẽ chỉ nói khái quát một số điểm nhất thiết cần để hiểu không sai lệch: có thể coi “franc” và “livre” là một, đơn giản là hai cách gọi đơn vị tiền khác nhau của các giai đoạn khác nhau (một cách giản tiện nhất, kể từ Cách mạng, tiền Pháp được gọi là “franc” thay cho “livre” như trước), một “franc” tương đương 20 xu (sou), một xu lại tương đương 20 “trinh” (denier), như vậy một franc bằng 240 trinh, đơn vị nhỏ nhất; một livre ăn 20 franc; một “écu” ăn bao nhiêu franc? điều này tùy, nhưng có thể xác định luôn luôn ở trong khoảng 3 franc đến 6 franc; khi tiền “écu” được nhắc đến, có thể quy đổi mà không sai lệch, nhất là trong bối cảnh phần lớn các câu chuyện của Balzac, một écu ăn 5 franc; thời này đã ít xuất hiện nhiều loại tiền khác, chẳng hạn “pistole”, mà ta rất hay thấy trong tiểu thuyết của Dumas, vốn dĩ kém tuổi Balzac nhưng hay viết về các thời trước.
[26] Kể cả người đàn bà tốt bụng vừa gặp cũng không thể làm được Genestas hết tin nông dân chỉ rặt toàn những kẻ lừa đảo.
[27] Genestas có tiếp xúc đầu tiên với trẻ con, tại vùng đất này: lần thứ nhất trong nhà người đàn bà ba mươi tám tuổi, lần thứ hai ở đây, gần nhà bác sĩ Benassis.
[28] “Juge de paix” là chức danh rất đặc trưng của nền tư pháp cũ của nước Pháp. Sẽ đi sâu hơn khi đến lúc.
[29] Brie là tên một vùng thuộc “bồn Paris”, rất trù phú, có đặc sản là món pho mát nổi tiếng.
[30] Từ này có nghĩa là không có gai.
[31] Xem tranh vẽ nữ thần Tự Do thì sẽ thấy cái mũ này.
[32] Người dê xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp, hay đi cùng thần Dionysos hoặc cũng có thể là thần Pan, thường cặp kè với các nàng nymphe.
[33] Có người bạn của Balzac kể viên mật thám nổi tiếng Vidocq (cf. chú thích số 69 của Ferragus) từng khen ngợi Balzac có cái mũi “chỏm vát” giống ông ta, tức là giống “mũi chó săn”.
[34] Tức là đầu (và khuôn mặt) rất oách; Balzac từng than thở vì đầu mình quá tròn, không vuông, nghĩa là không được nghiêm túc cho lắm.



(còn nữa)


nhân tiện: đã thêm một đoạn dài Ferragus



Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội
IV. Albert Savarus
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)

(phần 2)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời

Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac

3 comments:

  1. đoạn mở đầu hehe trác tuyệt. Balzac tả cảnh như lấy chúng trong túi bày ra. mà vẫn "tự nhiên." cứ như Sáng thế. đọc vào một cái nghĩ ngay đấy là vùng alpes mà rồi xem chú thích mới biết.

    ReplyDelete
  2. đơn giản là hay quá!nhịp điệu của đoạn tả viên sĩ quan già vừa có "thơ" vừa là "tiểu thuyết" :))

    ReplyDelete
  3. Thanks for sharing your thoughts. I really appreciate your efforts and I will
    be waiting for your further write ups thank you
    once again.

    ReplyDelete